Các nguyên tắc chung trong bảo hiểm và bảo hiểm nhân thọ
A. 5 NGUYÊN TẮC CHUNG TRONG BẢO HIỂM
1. Trung thực tuyệt đối
Doành nghiệp bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm cần trung thực khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm chỉ có giá trị pháp lý khi được xác lập trên cơ sở các thông tin trung thực của các bên. Hợp đồng bảo hiểm buộc phải chấm dứt nếu có hành vi gian lận hay trục lợi từ phía các bên trong hợp đồng.
2. Quyền lợi có thể được bảo hiểm
Nguyên tắc này nhằm mục đích ngăn ngừa rủi ro đạo đức và hành vi trục lợi bảo hiểm.
2.1 Quyền lợi có thể được bảo hiểm là:
- Quyền sở hữu, chiếm hữu, sử dụng, quyền tài sản.
- Quyền nhân thân, quan hệ huyết thống, nuôi dưỡng, cấp dưỡng đối với đối tượng được bảo hiểm.
- Quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng.
2.2 Các mối quan hệ bảo hiểm trong bảo hiểm nhân thọ:
- Quan hệ kinh tế: Doanh nghiệp – nhân viên.
- Quan hệ huyết thống: Cha mẹ ruột – con ruột và ngược lại.
- Quan hệ hôn nhân: Vợ – chồng hợp pháp và ngược lại.
- Quan hệ giữa người nuôi dưỡng, cấp dưỡng với người được nuôi dưỡng, cấp dưỡng.
- Tự tham gia bảo hiểm cho bản thân.
Trong hợp đồng bảo hiểm con người, trường hợp Bên mua bảo hiểm tham gia quyền lợi tử vong cho người khác:
- Phải được người đó đồng ý bằng văn bản, trong đó ghi rõ số tiền bảo hiểm và người thụ hưởng.
- Khi thay đổi người thụ hưởng, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bên mua bảo hiểm và Người được bảo hiểm.
Bên mua bảo hiểm không được tham gia quyền lợi tử vong cho:
- Trẻ em dưới 18 tuổi, trừ trường hợp cha/mẹ/người giám hộ của trẻ đó đồng ý bằng văn bản.
- Người mắc bệnh tâm thần.
3. Hoạt động theo quy luật số đông
- Sự đóng góp của số đông bù vào sự bất hạnh của số ít.
- Rủi ro được phân tán (chia đều cho cả cộng đồng).
- Khoản bù đắp thiệt hại do rủi ro lấy từ phí bảo hiểm (khoản đóng góp).
- Khác với hoạt động tiết kiệm, số tiền bảo hiểm vượt xa phí bảo hiểm.
4. Nguyên nhân gần
Nguyên nhân gần là nguyên nhân đủ mạnh để khởi động cả một chuỗi sự kiện dẫn đến một kết quả nhất định, là nguyên nhân chủ yếu, quyết định và có mối liên hệ trực tiếp với kết quả – tổn thất.
Người bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm đối với những tổn thất khi nguyên nhân gần của tổn thất là rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm.
5. Bồi thường
Đây là nguyên tắc nhằm ngăn ngừa trục lợi bảo hiểm. Số tiền bồi thường mà người được bảo hiểm có thể nhận được trong mọi trường hợp không lớn hơn thiệt hại của họ trong sự kiện bảo hiểm và/hoặc số tiền bảo hiểm đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Bảo hiểm phi nhân thọ: Bồi thường những chi phí thực tế, hợp lý để sửa chữa, thay thế, tái tạo lại tài sản như tình trạng trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
Bảo hiểm nhân thọ + Phi nhân thọ: Bồi thường tối đa bằng số tiền bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm.
B. 2 NGUYÊN TẮC TRONG BẢO HIỂM TÀI SẢN VÀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ
1. Đóng góp bồi thường
Khi có bảo hiểm trùng hoặc đồng bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chia sẻ trách nhiệm bồi thường sao cho tổng số tiền mà người được bảo hiểm nhận được từ các hợp đồng bảo hiểm không lớn hơn thiệt hại thực tế của họ trong sự kiện bảo hiểm.
Lưu ý: Nguyên tắc này không áp dụng với bảo hiểm con người.
2. Thế quyền
Thế quyền được sử dụng khi có người thứ ba phải chịu trách nhiệm đối với thiệt hại của đối tượng trong sự kiện bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm sau khi bồi thường cho người được bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm được phép thế quyền người được bảo hiểm đòi người thứ ba phần thiệt hại thuộc trách nhiệm của người thứ ba và trong giới hạn số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người được bảo hiểm bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người được bảo hiểm trừ trường hợp cố ý gây ra tổn thất.
Trong hợp đồng bảo hiểm tài sản, khi tài sản bị thiệt hại do lỗi của người thứ ba, nhưng người được bảo hiểm từ chối chuyển quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm, không bảo lưu hoặc từ bỏ quyền yêu cầu người thứ ba bồi thường, thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền khấu trừ số tiền bồi thường tùy theo mức độ lỗi của người được bảo hiểm.
Nguyên tắc này không áp dụng với bảo hiểm con người. Khi người được bảo hiểm chết, bị thương tật hoặc đau ốm do hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp của người thứ ba, doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm mà không có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã trả cho người thụ hưởng. Người thứ ba phải bồi thường cho người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
C. 2 NGUYÊN TẮC TRONG BẢO HIỂM CON NGƯỜI
1. Nguyên tắc khoán
Triết lý của nguyên tắc này: tính mạng, sức khỏe của con người là vô giá. Do đó, khi sự kiện bảo hiểm xảy ra, người được bảo hiểm được nhận quyền lợi bảo hiểm từ tất cả các hợp đồng bảo hiểm có liên quan. Việc trả tiền bảo hiểm không nhằm mục đích bồi thường thiệt hại mà là thực hiện cam kết của hợp đồng bảo hiểm.
2. Vừa bảo vệ, vừa tiết kiệm
Người tham gia bảo hiểm tùy chọn số tiền bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, thời gian và phương thức đóng phí nhất định. Người tham gia bảo hiểm chắc chắn nhận số tiền bảo hiểm bất kể có rủi ro hay không có rủi ro xảy ra.
Ξ Bài liên quan: