Bảo hiểm nhân thọ

0
23

Bảo hiểm nhân thọ tuy không còn xa lạ nhưng các câu hỏi bảo hiểm nhân thọ là gì, bản chất của bảo hiểm nhân thọ, các loại hình bảo hiểm hiện nay và quyền lợi bảo hiểm nhân thọ… vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. 

Vậy bảo hiểm nhân thọ là gì? Mời các bạn cùng tìm hiểu về bảo hiểm nhân thọ và các loại hình bảo hiểm hiện nay.

1. Bảo hiểm tử kỳ

  • Số tiền bảo hiểm được doanh nghiệp bảo hiểm trả một lần cho người thụ hưởng nếu người được bảo hiểm tử vong trong thời hạn nhất định thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Không có mục đích tiết kiệm mà chỉ đơn thuần là bảo vệ tài chính khi có rủi ro.
  • Phí bảo hiểm tử kỳ thường là thấp nhất so với các nghiệp vụ bảo hiểm khác.
  • Các dạng bảo hiểm tử kỳ: Tử kỳ cố định/tử kỳ có điều kiện; tử kỳ có thể tái tục/tử kỳ có thể chuyển đổi; tử kỳ giảm dần/tử kỳ tăng dần, bảo hiểm thu nhập gia đình.

2. Bảo hiểm sinh kỳ

  • Số tiền bảo hiểm được Doanh nghiệp bảo hiểm trả một lần cho Người thụ hưởng nếu Người được bảo hiểm vẫn còn sống đến một thời hạn nhất định thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm xác định, được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Nếu Người được bảo hiểm chết trước thời hạn thanh toán thì Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không trả tiền bảo hiểm.
  • Phí bảo hiểm trả một lần hoặc nhiều lần.

3. Bảo hiểm hỗn hợp

  • Là sự kết hợp giữa bảo hiểm sinh kỳ và bảo hiểm tử kỳ. Doanh nghiệp bảo hiểm trả số tiền bảo hiểm khi Người được bảo hiểm tử vong trong thời hạn bảo hiểm hoặc còn sống đến hết thời hạn bảo hiểm.
  • Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm xác định, được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Có giá trị hoàn lại (còn gọi là giá trị giải ước).
  • Phí bảo hiểm thường đóng định kỳ và không thay đổi.
  • Các dạng bảo hiểm hỗn hợp: Bảo hiểm hỗn hợp không chia lãi, bảo hiểm hỗn hợp có chia lãi.

4. Bảo hiểm trọn đời

  • Số tiền bảo hiểm được Doanh nghiệp bảo hiểm trả một lần cho Người thụ hưởng khi Người được bảo hiểm tử vong vào bất cứ thời điểm nào trong suốt cuộc đời (việc trả tiền bảo hiểm là chắc chắn).
  • Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm không xác định, được tính từ lúc ký kết đến khi Người được bảo hiểm tử vong.
  • Phí bảo hiểm có thể trả một lần hoặc trả định kỳ trong giới hạn thời gian nhất định.
  • Các dạng bảo hiểm trọn đời: Bảo hiểm trọn đời không chia lãi, bảo hiểm trọn đời có chia lãi, bảo hiểm trọn đời chi phí thấp.

5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ (Bảo hiểm niên kim)

  • Nếu Người được bảo hiểm sống đến một thời hạn nhất định thì sau thời hạn đó Doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền định kỳ cho Người thụ hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Thời hạn của hợp đồng bảo hiểm xác định, được thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Giống bảo hiểm sinh kỳ, nếu Người được bảo hiểm chết trước thời hạn xác định trong HĐ thì Doanh nghiệp bảo hiểm không phải trả tiền bảo hiểm.
  • Phí bảo hiểm có thể trả một lần hoặc trả định kỳ nhiều lần theo thỏa thuận trong HĐ.
  • Các dạng bảo hiểm niên kim: Niên kim trả ngay/niên kim trả sau; niên kim có thời hạn/niên kim trọn đời; niên kim cố định / niên kim biến đổi; niên kim đầu kỳ/niên kim cuối kỳ.

Bảo hiểm nhân thọ có tham gia chia lãi (sinh kỳ, hỗn hợp, trọn đời, niên kim)

Khi tham gia sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có tham gia chia lãi, chủ hợp đồng bảo hiểm nhận được không thấp hơn 70% tổng số lãi thu được. Lãi chia cho chủ hợp đồng có thể được thực hiện dưới hình thức trả tiền mặt cho chủ hợp đồng, hoặc trả bảo tức tích lũy, hoặc gia tăng số tiền bảo hiểm.

6. Bảo hiểm hưu trí

(Quy định tại Thông tư 115/2013/TT-BTC)

Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp Người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi xác định được Doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

6.1 Quỹ hưu trí tự nguyện

Khi triển khai bảo hiểm hưu trí, Doanh nghiệp bảo hiểm phải thiết lập quỹ hưu trí tự nguyện, theo dõi, tách và hạch toán riêng doanh thu, chi phí, tài sản và nguồn vốn của quỹ hưu trí tự nguyện với các quỹ chủ hợp đồng khác và quỹ chủ sở hữu. Quỹ hưu trí tự nguyện được hình thành từ phí bảo hiểm và là tập hợp các tài khoản bảo hiểm hưu trí của Người được bảo hiểm.

6.2 Quyền lợi bảo hiểm cơ bản

Quyền lợi bảo hiểm cơ bản của sản phẩm bảo hiểm hưu trí bao gồm quyền lợi hưu trí định kỳ và quyền lợi bảo hiểm rủi ro.
• Đối với quyền lợi hưu trí định kỳ, Doanh nghiệp bảo hiểm phải bảo đảm quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi Người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
• Đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro, Doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi: Trợ cấp mai táng, tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.

6.3 Các loại phí

Với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, Doanh nghiệp bảo hiểm được khấu trừ các loại phí sau đây:

  • Phí ban đầu là khoản phí dùng để trang trải chi phí phát hành hợp đồng bảo hiểm, chi phí thẩm định bảo hiểm, chi phí kiểm tra y tế, chi hoa hồng đại lý và chi phí khác.
  • Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm;
  • Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và tối đa không quá 2% giá trị tài sản đầu tư của quỹ trong năm;
  • Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí là khoản phí Bên mua bảo hiểm phải trả cho Doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang quản lý tài khoản bảo hiểm hưu trí khi thực hiện chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí sang Doanh nghiệp bảo hiểm mới.
  • Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

6.4 Rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí

Người được bảo hiểm được quyền yêu cầu Doanh nghiệp bảo hiểm cho rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí trong các trường hợp sau đây:

  • Người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành;
  • Người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.

6.5 Chuyển giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí

Khi Người được bảo hiểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc mất việc và không còn là thành viên của hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm, người được bảo hiểm có quyền sau đây:

  • Chuyển giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí từ hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân với giá trị tương ứng tại cùng Doanh nghiệp bảo hiểm, hoặc
  • Chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí của mình sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm của doanh nghiệp mới. Hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới có thể tại cùng Doanh nghiệp bảo hiểm hoặc Doanh nghiệp bảo hiểm khác, tùy thuộc doanh nghiệp mới.

6.6 Tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí

Bên mua bảo hiểm và Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thỏa thuận về việc tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp không có khả năng đóng phí bảo hiểm.

bảo hiểm

7. Bảo hiểm liên kết đầu tư

Bảo hiểm liên kết đầu tư bao gồm: Bảo hiểm liên kết chung và Bảo hiểm liên kết đơn vị.

7.1 Đặc điểm chung của Bảo hiểm liên kết đầu tư:

  • Cơ cấu phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm được tách bạch giữa phần bảo hiểm rủi ro và phần đầu tư.
  • Bên mua bảo hiểm linh hoạt trong việc xác định phí bảo hiểm và số tiền bảo hiểm.
  • Doanh nghiệp bảo hiểm hưởng các khoản phí do Bên mua bảo hiểm trả theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm và trong hạn mức tối đa đã được quy định tại hợp đồng bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay đổi tỷ lệ các loại phí áp dụng sau khi thông báo và thỏa thuận với Bên mua bảo hiểm bằng văn bản ít nhất 3 tháng trước thời điểm chính thức thay đổi.

7.2 Bảo hiểm liên kết chung
(Quy định tại Thông tư 52/2016/TT-BTC)

7.2.1 Quyền lợi của bảo hiểm liên kết chung: Bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.

  • Quyền lợi bảo hiểm rủi ro: Doanh nghiệp bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm thoả thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải bảo đảm số tiền bảo hiểm tối thiểu không thấp hơn 5 lần phí bảo hiểm định kỳ năm đầu đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ hoặc không thấp hơn 125% số phí bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần.
  • Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ quỹ liên kết chung của Doanh nghiệp bảo hiểm nhưng không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu được Doanh nghiệp bảo hiểm cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Giá trị hoàn lại của một hợp đồng bảo hiểm liên kết chung được xác định là giá trị hợp đồng đó trong quỹ liên kết chung vào ngày huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm trừ đi phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.

7.2.2 Các loại phí trong hợp đồng bảo hiểm liên kết chung

  • Phí ban đầu là toàn bộ các khoản tiền mà Doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào quỹ liên kết chung.
  • Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm.
  • Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động đầu tư và quản lý quỹ liên kết chung. Trong mọi trường hợp, tỷ suất đầu tư thanh toán cho Bên mua bảo hiểm không thấp hơn tỷ suất đầu tư tối thiểu đã cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
  • Phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm là khoản phí tính cho khách hàng khi huỷ bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi hợp lý có liên quan.
  • Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong hạn mức tối đa đã được quy định tại hợp đồng bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay đổi tỷ lệ các loại phí áp dụng sau khi thông báo và thoả thuận với Bên mua bảo hiểm bằng văn bản ít nhất ba (03) tháng trước thời điểm chính thức thay đổi.

7.2.3 Phân tích nhu cầu khách hàng

Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết chung, Doanh nghiệp bảo hiểm phải:

  • Tiến hành phân tích nhu cầu KH;
  • Có xác nhận của KH về việc hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm mà họ dự kiến mua, nhận thức rõ quyền lợi bảo hiểm, quyền lợi đầu tư và các rủi ro đầu tư mà họ có thể gặp phải khi tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết chung và các khoản phí mà Doanh nghiệp bảo hiểm tính cho KH.

Bảo hiểm liên kết đầu tư

7.3 Bảo hiểm Liên kết đơn vị

(Quy định tại Thông tư 135/2012/TT-BTC)

7.3.1 Quyền lợi bảo hiểm liên kết đơn vị: Bao gồm quyền lợi bảo hiểm rủi ro và quyền lợi đầu tư.

Bên mua bảo hiểm không được lựa chọn chỉ tham gia quyền lợi đầu tư mà không tham gia quyền lợi bảo hiểm rủi ro.

  • Quyền lợi bảo hiểm rủi ro: Doanh nghiệp bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm thoả thuận về quyền lợi bảo hiểm rủi ro nhưng phải đảm bảo quyền lợi tối thiểu trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong theo quy định sau:

a) Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí một lần: 50.000.000 đồng Việt Nam hoặc 125% của số phí bảo hiểm đóng một lần, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn;

b) Đối với các hợp đồng bảo hiểm đóng phí định kỳ: 50.000.000 đồng Việt Nam hoặc năm (05) lần của số phí bảo hiểm đóng hàng năm, tuỳ thuộc vào số nào lớn hơn; Doanh nghiệp bảo hiểm có thể cung cấp quyền lợi tử vong với số tiền bảo hiểm thấp hơn mức tối thiểu quy định như trên đối với người được bảo hiểm từ 60 tuổi trở lên, nhưng không thấp hơn 50.000.000 đồng;

  • Quyền lợi đầu tư: Bên mua bảo hiểm được quyền lựa chọn đầu tư phí bảo hiểm của mình để mua các đơn vị của các quỹ liên kết đơn vị do Doanh nghiệp bảo hiểm thành lập, được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư và chịu mọi rủi ro đầu tư từ các quỹ liên kết đơn vị đã lựa chọn tương ứng với phần phí bảo hiểm đã đầu tư. Việc mua, bán các đơn vị quỹ chỉ được thực hiện giữa Doanh nghiệp bảo hiểm và Bên mua bảo hiểm.
  • Giá trị hoàn lại của một hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị được xác định dựa trên giá mua đơn vị quỹ liên kết đơn vị vào ngày định giá kế tiếp ngay sau ngày huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm trừ đi phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm.

7.3.2 Các loại phí trong hợp đồng bảo hiểm liên kết đơn vị

  • Phí ban đầu là toàn bộ các khoản tiền mà Doanh nghiệp bảo hiểm được phép khấu trừ trước khi phí bảo hiểm được phân bổ vào các quỹ liên kết đơn vị;
  • Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí để chi trả quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm;
  • Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm;
  • Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ liên kết đơn vị;
  • Phí chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị là khoản phí Bên mua bảo hiểm phải trả cho Doanh nghiệp bảo hiểm khi thực hiện chuyển đổi tài sản đầu tư giữa các quỹ liên kết đơn vị. Bên mua bảo hiểm được quyền chuyển đổi quỹ liên kết đơn vị miễn phí cho lần chuyển đổi đầu tiên trong mỗi năm hợp đồng;
  • Phí huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm là khoản phí tính cho khách hàng khi huỷ bỏ hợp đồng trước ngày đáo hạn để bù đắp các khoản chi hợp lý có liên quan;
  • Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng và trong hạn mức tối đa đã được thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm, Doanh nghiệp bảo hiểm có thể thay đổi tỷ lệ các loại phí áp dụng sau khi thông báo cho Bên mua bảo hiểm và Bộ Tài chính bằng văn bản ít nhất ba (03) tháng trước thời điểm chính thức thay đổi.

8. Bảo hiểm bổ sung (bổ trợ, tăng cường)

  • Luôn được bán kèm với một sản phẩm bảo hiểm chính/quyền lợi bảo hiểm chính.
  • Bổ sung thêm quyền lợi bảo vệ và thường có mức phí thấp.
  • Các sản phẩm bảo hiểm bổ sung chủ yếu:
    • Liên quan đến phí bảo hiểm: Miễn đóng phí; Hoàn phí bảo hiểm
    • Tai nạn: Tử vong, thương tật, thương tật toàn bộ vĩnh viễn
    • Chăm sóc y tế: Bệnh hiểm nghèo, trợ cấp nằm viện

Ξ Bài liên quan:

GỬI BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây